Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Y tế

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử lý nước ăn uống và vệ sinh môi trường trong ngập lụt

Hàng năm, nước ta phải trải qua hàng chục cơn bão, lũ lụt để lại nhiều hậu quả nặng nề như ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch; ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Để giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh do ngập lụt, cần biết cách xử lý nước ăn uống, xử lý rác thải, xử lý phân người sao cho đúng.

Các bước xử lý nguồn nước sử dụng ăn uống

Xử lý nước ăn uống

Việc sử dụng nước sạch là điều ai cũng mong muốn. Nhưng trong điều kiện bão lụt có nhiều người đang phải sử dụng nguồn nước không an toàn để ăn uống và sinh hoạt. Khi đó chúng ta phải xử lý nước bị nhiễm bẩn thành nguồn nước an toàn để sử dụng. Để xứ lý nước an toàn, cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Làm trong nước

Bằng phèn chua, 1 gram phèn (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) làm trong cho 20 lít nước. Múc 1 gáo nước, hòa tan lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hềt, cho vào chum, vại, lu hay thùng nước khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho lắng cặn hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

Nếu không có phèn chua thì dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi nước trong.

Bước 2: Khử trùng nước

Sau khi nước đã được làm trong tiến hành khử trừng nước. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi.

Bằng hóa chất: Đối với hộ gia đình sử dụng Cloramin B 0,25g hoặc Aquatabs 67mg, tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như xô, chậu, bể chứa nước nhỏ.

Cách khử trùng: Cho 1 viên Cloramin B 0,25g vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong hoặc 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng được.

Lưu ý: Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho các mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp được, riêng nước đã qua xử lý bằng Aquatabs 67mg có thể uống được mà không cần đun sôi. Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo. Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm 30 phút tới 60 phút nữa cho bớt mùi nồng.

Bằng cách đun sôi nước:

Chỉ sử dụng nước để uống trực tiếp sau khi đã đun sôi.

Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống.

Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

Xử lý rác

Đối với các lán trại sơ tán: Đào các rãnh có chiều rộng 1m; chiều dài 1,5 m; sâu 2 m. Rác được đổ vào rãnh, hàng ngày rắc một lớp đất lên mặt rác. Một hố như vậy có thể dùng cho 200 người trong một tuần rồi lấp bằng một lớp đất dày 40 cm lèn chặt.

Nếu có điều kiện: Dùng các thùng rác thể tích từ 50 - 100 lít cho 12 – 25 người dùng tại các khu vượt lũ. Khi đầy thùng phải mang đi chôn hoặc đốt. Rác thải y tế phải được đốt hàng ngày.

Nếu thời gian ngập lụt kéo dài, có thể tổ chức các ghe, thuyền đi đến từng nhà thu gom rác về nơi xử lý tập trung.

Xử lý phân người

Tận dụng những chỗ đất cao, chưa bị ngập, đào những hố nhỏ mỗi chiều 0,5m để làm hố tiêu tạm thời. Những hố tiêu này nên làm cách xa nhà ở và nguồn nước để hạn chế sự phát tán mầm bệnh.

Ở những nơi nước ngập cao mà không kịp sơ tán hoặc vì lý do nào đó mà phải ở lại nơi ngập lụt thì có thể dùng tạm thùng, chậu, rổ,… lót nilong, đổ tro, trấu hoặc đất vào, đi tiểu vào đó rồi treo phía ngoài nhà hoặc trên cây chờ khi nước rút đem đi chôn./.

                                                Như Ý – TT KSBT