Người đái tháo đường cần có chế độ hoạt động, tập luyện đúng cách
Hiện nay, số người cao tuổi bị mắc bệnh đái tháo đường ở tỉnh ta ngày càng tăng. Theo báo cáo của Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2020 số người mắc đái tháo đường đang được quản lý điều trị trong tỉnh là 6.034 người. Ngoài việc điều trị bằng thuốc thì việc tạo dựng những thói quen tốt trong ăn uống và sinh hoạt sẽ giúp người bệnh có một cuộc sống bình thường, khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc phải những biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường, trong đó có vai trò quan trọng của việc tăng cường hoạt động thể lực và tập thể dục thường xuyên.
Tăng cường hoạt động thể lực giúp phòng ngừa bệnh đái tháo đường
Hoạt động thể lực là bất kỳ hoạt động nào làm cơ thể chuyển động như đi lại, làm vườn, dọn dẹp nhà cửa…không nhất thiết phải là một môn thể thao hay các hoạt động cần có dụng cụ thể thao. Theo tài liệu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương – Bộ Y tế, hoạt động thể lực đúng cách có nhiều lợi ích cho người đái tháo đường như : Làm giảm nồng độ đường máu cả trong và sau khi tập luyện, kiểm soát đường máu hàng ngày và lâu dài; Làm tăng tính nhạy cảm của các mô trong cơ thể với insulin máu và tăng tác dụng của insulin, giảm liều insulin cần điều trị; Làm giảm nguy cơ bị các biến chứng tim mạch thông qua những ảnh hưởng có lợi lên mỡ máu và huyết áp; Làm giảm trung bình 5-10mmHg cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương; Giảm trọng lượng cơ thể, bỏ bớt mỡ thừa ở các bệnh nhân đái tháo đường typ 2 thừa cân hoặc béo phì; Cải thiện chức năng tim mạch, tăng cường sức khỏe và khả năng lao động của người tập. Tăng cường hoạt động thể lực sẽ có lợi về mặt tâm lý, mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu và nhẹ nhàng hơn về cuộc sống.
Tuy nhiên, người đái tháo đường cần có phương thức tiến hành hoạt động thể lực đúng cách, cần khám sức khỏe, lựa chọn phương pháp tập luyện thích hợp và có kế hoạch tập luyện. Trước khi bắt đầu thực hiện chế độ tập luyện, cần được thăm khám cẩn thận để phát hiện các biến chứng của đái tháo đường, khám tim mạch để phát hiện kịp thời thiếu máu cơ tim, đánh giá nguy cơ tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp tư thế trong khi tập luyện…Nếu không có chỉ định gì thì người bệnh có thể tập bất cứ môn thể dục thể thao nào mà họ thích như đi bộ, đạp xe, khiêu vũ, leo cầu thang, thể dục dưỡng sinh... Người cao tuổi cũng nên luyện tập độ mềm dẻo của các khớp, độ căng cơ và thăng bằng để có thể độc lập và an toàn trong cuộc sống hàng ngày. Với những người đã có biến chứng thần kinh ngoại biên ở chân như giảm cảm giác, loét chân… thì nên hạn chế đi bộ hoặc chạy bộ.
Theo khuyến cáo của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, để đạt hiệu quả tốt nhất, mỗi tuần cần tập luyện ít nhất 5 ngày, khoảng 30 phút mỗi ngày, trong đó cần dành 5-10 phút cho phần khởi động bằng bài tập thể dục nhẹ để phòng tránh chấn thương cơ, giúp cơ thể tăng dần nhịp tim và huyết áp. Giai đoạn tập nặng hơn có thể là 20 phút, chú ý không tập tới mức khó thở, thở gấp, chóng mặt, đau tức ngực. Giai đoạn thư giãn : giảm dần khối lượng vận động, nên kéo dài 5-10 phút bằng cách đi bộ, co duỗi chân tay hoặc các động tác thể dục chậm khác trước khi kết thúc bài tập. Những lưu ý khi tập luyện là : lựa chọn trang phục phù hợp với thời tiết, nếu đi bộ, đạp xe thì chọn giày, dép mềm, vừa chân, chắc chắn, đi tất thấm mồ hôi; Ăn trước hoặc sau khi tập 1-3 tiếng; Uống đủ nước trong lúc tập; Tiêm insulin ít nhất một tiếng trước khi bắt đầu tập. Đo đường máu trước, trong và sau khi tập và thông báo kết quả đường máu cho bác sỹ để được tư vấn lựa chọn phương pháp và mức độ tập luyện phù hợp với sức khỏe, đánh giá các biến chứng và chỉnh liều thuốc điều trị cho phù hợp.
Minh Anh – TT KSBT