Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2024
Sáng 24/01/2024, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2024. Dự hội nghị có các đồng chí Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế
Sáng 24/01/2024, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2024. Dự hội nghị có các đồng chí Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Tại điểm cầu Lạng Sơn có lãnh đạo Sở Y tế, Phòng Nghiệp vụ Y – Dược, Phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Y tế; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế.
Theo báo cáo, năm 2023, Việt Nam cũng xuất hiện một số dịch bệnh có khả năng lây nhiễm trên diện rộng, như: Sốt xuất huyết (hơn 172.000 ca mắc, 43 ca tử vong), tay chân miệng (181.000 ca mắc, 31 ca tử vong), bạch hầu (57 ca mắc, 7 trường hợp tử vong), đậu mùa khỉ (137 ca mắc, trường hợp tử vong), dại (82 trường hợp tử vong), , sốt rét (448 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong), COVID-19 (trên 99.000 ca, giảm 82,4 lần so với năm 2022), sốt phát ban nghi sởi (401 ca mắc, tăng 9,6% so với năm 2022)...
Bộ Y tế nhận định: Trong thời gian tới, tình hình bệnh truyền nhiễm trong nước và trên thế giới vẫn vẫn diễn biến khó lường, chưa ổn định với sự gia tăng nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới, các bệnh nguy hiểm mới nổi; các tác nhân gây bệnh, các chủng vi rút cúm liên tục biến đổi, tiềm ẩn nguy cơ đại dịch...
Trong chương trình, Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã hướng dẫn công tác thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh như: phân tuyến điều trị, nhiệm vụ của y tế cơ sở, các bệnh viện tuyến cuối...
Tại hội nghị, đại biểu đã phát biểu thảo luận làm rõ hơn công tác phòng, chống dịch hiện nay; kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh của một số tỉnh, thành phố; nguyên nhân của những khó khăn, tồn tại và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, làm tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh trong năm 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Kết luận tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đơn vị trực thuộc tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh; các quy định, hướng dẫn về cơ chế tài chính, công tác mua sắm, đấu thầu; triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch năm 2024. Sở Y tế các tỉnh, thành phố UBND tỉnh, sớm tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2024; hoàn thiện mức chi cho y tế dự phòng; ngành y tế phối hợp với các ngành triển khai hiệu quả vệ sinh phòng bệnh tại các trường học, đàn gia súc gia cầm, phòng chống dịch từ động, thực vật sang người; chỉ đạo thường xuyên, kịp thời công tác phòng, chống dịch trên cơ sở theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch với quan điểm phòng bệnh từ xa, từ sớm, ngay từ cơ sở; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo tình hình và chuẩn bị sẵn sàng các phương án với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh... Trong dịp Tết Nguyên đán, các cơ sở y tế thường trực 24/24 theo quy định để đảm bảo công tác phòng chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát theo dõi phòng chống dịch bệnh, tiếp tục rà soát kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hàng hết hạn sử dụng vận chuyển vào tỉnh, tiêu thụ ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Hình ảnh Hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế Lạng Sơn
Tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023, Sở Y tế đã chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh, thực hiện tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm phù hợp với thực tế. Đồng thời, bố trí kinh phí, chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, hoá chất, vật tư, nhân lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống, điều trị, kiểm soát dịch từ các ca bệnh, ổ dịch nhỏ, hạn chế tối đa tỉ lệ tử vong. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã phát hiện 9.762 trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm như: tay chân miệng, viêm gan virut, thủy đậu, tiêu chảy, cúm... Trong đó một số bệnh có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2022: viêm gan virut khác 22 ca (giảm 51 ca); sởi 0 ca (giảm 1 ca); sốt rét 0 ca (giảm 2 ca)... không có trường hợp nào tử vong do dịch bệnh. Các bệnh truyền nhiễm đều được xử lý, khống chế kịp thời không để dịch lớn xảy ra, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
HOÀNG VĂN TỪ