NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ
Sữa mẹ có vai trò rất quan trọng trong đối với sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ của trẻ nhỏ, và là nguồn thực phẩm không có bất kỳ sinh phẩm nào có thể thay thế được. Chính vì vậy, hàng năm từ ngày 01/8 đến 07/8 hàng năm, các quốc gia đều tổ chức Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ được nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM). Tuần lễ tuần lễ thế giới NCBSM năm 2023 được thực hiện với chủ đề “Tăng cường hỗ trợ NCBSM tại nơi làm việc” đã tập trung đẩy mạnh việc bảo vệ, hỗ trợ và khuyến khích bà mẹ phải đi làm tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ, góp phần nâng cao sức khỏe, giảm tử vong trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Hướng dẫn bà mẹ cho con bú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn
WHO khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng. Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng và phù hợp cho sự hấp thụ, phát triển cơ thể của trẻ. Việc NCBSM không chỉ đem lại lợi ích cho chính trẻ mà còn cho bà mẹ và xã hội.
Lợi ích đối với trẻ: Là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ trong vòng 6 tháng đầu đời; Thúc đẩy sự phát triển cơ thể trẻ; Kích thích sự phát triển của trí não; Phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp; Dễ tiêu hóa, sử dụng hiệu quả; Sạch sẽ, luôn sẵn sàng ở nhiệt độ phù hợp.
Lợi ích đối với bà mẹ: Cho trẻ bú ngay sau khi sinh giúp sổ rau nhanh, kích thích tử cung co hồi tốt và tránh mất máu cho mẹ; Cho trẻ bú ngay và thường xuyên kích thích tăng cường sản xuất sữa; giúp phòng ngừa cương tức sữa cho mẹ; Bú mẹ có lợi ích kinh tế cao; Giúp tăng cường tình cảm mẹ con; Tốt cho sức khỏe của mẹ (giảm thiếu máu, phòng ung thư vú, ung thư cổ tử cung); Chậm có kinh trở lại, chậm có thai lại.
Lợi ích đối với xã hội: Giảm nguy cơ bệnh tật; Giảm các chi phí y tế.
Vậy làm cách nào để có thể có được nguồn sữa mẹ tốt nhất cho trẻ? Dưới đây là một số biện pháp giúp mẹ có thể tăng cường và duy trì sữa ngay cả khi mẹ đã đi làm:
* Tinh thần thoải mái:
Khi đã đi làm, thời gian của mẹ sẽ ít hơn, bận hơn, áp lực công việc sẽ tác động tới tâm lý mẹ. Vì thế, mẹ cần sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi và giữ tinh thần thoải mái. Nếu căng thẳng, mệt mỏi…thì rất dễ bị mất sữa. Mẹ không nên thức khuya vì ban đêm lúc ngủ là thời điểm cơ thể sản xuất nhiều sữa nhất, cho nên ngủ đủ giấc và ngủ sớm sẽ giúp mẹ có nhiều sữa cho em bé hơn.
* Chế độ ăn uống đầy đủ và đa dạng:
Dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sữa và mức độ bài tiết sữa, do đó, để bảo đảm nguồn sữa luôn đầy đủ và cung cấp nhiều dinh dưỡng cho bé thì mẹ cần có chế độ ăn đủ chất, không kiêng khem quá nhiều, ăn đa dạng các loại trái cây, rau quả. Ngoài ra mẹ cần uống nhiều nước, khoảng 3l/ngày, tốt nhất là uống nước ấm sẽ giúp kích thích tăng bài tiết sữa nhiều hơn.
* Cho con bú thường xuyên hơn:
Khi bắt đầu đi làm, để kích thích tiết sữa bình thường thì mẹ nên cho trẻ bú nhiều, bú theo nhu cầu của bé và bất cứ khi nào có thời gian gần con. Bởi khi trẻ mút vú mẹ sẽ kích thích cơ thể sản xuất sữa nhiều hơn. Một số mẹ đã đi làm nếu ở những nơi làm việc gần có thể tranh thủ cho trẻ bú vào lúc nghỉ trưa.
* Vắt sữa cho trẻ khi đi làm:
Để có đủ sữa cho bé bú trong những lúc mẹ vắng nhà thì mẹ nên tranh thủ các cữ sữa để vắt cho bé. Mẹ vắt sữa rồi tích trữ trong các túi đựng sữa sạch vỏ túi ghi rõ số lượng và thời điển vắt, bảo quản trong tủ lạnh. Lưu ý, không nên cho trẻ uống sữa để lâu, có thể khiến trẻ bị đi ngoài. Sữa mẹ để ngăn mát tủ lạnh có thể để được 24h và nếu để ngăn đông thì có thể để được từ 1 đến 3 tháng. Khi muốn cho trẻ ăn thì ngâm túi trữ sữa vào nước nóng vài phút, sữa ấm lên thì đổ vào bình đã được làm sạch và cho bé uống. Lưu ý không nên ngâm trực tiếp vào nước sôi hay đun sữa lên.
* Không nên cho trẻ uống thêm sữa công thức:
Nếu được uống thêm sữa ngoài thì trẻ sẽ giảm nhu cầu bú mẹ, từ đó trẻ sẽ bú mẹ ít dần dấn tới mẹ dần bị ít sữa do sữa mẹ sản xuất theo nhu cầu của bé.
* Kiêng ăn một số đồ ăn:
- Đồ ăn nhanh: Loại thức ăn này có giá trị dinh dưỡng thấp.
- Thực phẩm nhiều gia vị: Làm thay đổi hương vị sữa mẹ, có thể trẻ sẽ bỏ bú vì sữa mẹ có mùi lạ.
- Chất kích thích: Có thể khiến bé mơ màng, ngủ nhiều; làm giảm phản xạ tiết sữa của mẹ.
Đồng lòng ủng hộ NCBSM là hành động thiết thực để bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình và xã hội./.
Như Ý – TT KSBT