Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Y tế

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điều cần biết về xét nghiệm và truyền máu yếu tố Rh

Yếu tố Rhesus (Rh) là protein mang tính di truyền được tìm thấy trên bề mặt của các tế bào hồng cầu. Nếu máu của bạn có protein này được xem là là Rh dương tính và ngược lại, nếu không có là âm tính.

Lấy máu xét nghiệm ở Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lạng Sơn.

 

 

Ngoài hệ nhóm máu ABO, nhóm máu còn được cũng được phân loại theo nhóm máu Rh hay còn gọi là yếu tố rhesus. Tùy thuộc vào việc có kháng nguyên Rh hay không, mỗi nhóm máu được viết thêm vào ở đằng sau tên thêm một biểu tượng dương tính hoặc âm tính, ví dụ nhóm máu A dương tính được viết thành A+.

 

Bác sỹ Trần Thị Phương Thảo, thành viên Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm miền Bắc, hiện đang công tác tại Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm - Dinh dưỡng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Rh dương là nhóm máu phổ biến nhất. Có nhóm máu Rh- không phải là bệnh và thường không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng đến thai kỳ của sản phụ và thai nhi, ví dụ mẹ mang Rh- nhưng thai nhi lại mang Rh+ thì trong quá trình mang thai, thai phụ cần được theo dõi và chăm sóc đặc biệt do mẹ và thai nhi không tương thích Rh. Thai nhi có thể thừa hưởng yếu tố Rh từ bố hoặc mẹ. Những người có nhóm máu Rh- chỉ có thể nhận máu Rh-, nhưng những người có Rh+ thì có thể nhận máu Rh+ hoặc Rh-.

 

Theo tài liệu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, kháng nguyên hệ thống nhóm máu Rh là di truyền, còn kháng thể chống Rh chỉ xuất hiện ở cơ thể Rh- khi được miễn dịch bằng hồng cầu có kháng nguyên D Rh+. Kháng thể này thường là IgG. Nếu một người Rh-, chưa bao giờ được truyền máu Rh+ thì việc truyền máu Rh+ cho họ sẽ chưa xảy ra phản ứng tức thì nào. Tuy nhiên sau khi truyền máu Rh+ từ 2-4 tuần sau, lượng kháng thể chống Rh đã tương đối cao đủ để gây ngưng kết hồng cầu Rh+ của người cho vẫn tồn tại trong máu người nhận. Phản ứng này chậm và rất nhẹ. Sau 2-4 tháng truyền máu Rh, nồng độ kháng thể chống Rh trong máu người Rh- mới đạt tối đa. Nếu truyền máu Rh+ cho những người này ở lần thứ 2, có thể gây ra tai biến truyền máu nặng, không kém gì tai biến truyền máu của hệ ABO. Sau vài lần truyền máu Rh+ cho người Rh- thì người Rh- trở nên rất mẫn cảm với kháng nguyên Rh+, tai biến khi truyền máu là cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, cần phải xác định nhóm máu hệ Rh để phân loại âm tính hay dương tính, từ đó có kế hoạch điều trị thích hợp trong trường hợp cần thiết phải truyền máu.

 

Đối với các sản phụ lần đầu mang thai nên thực hiện xét nghiệm nhóm máu để phân loại Rh- hay Rh+. Xét nghiệm này thực hiện rất đơn giản và không cần chuẩn bị trước khi thực hiện. Nếu sản phụ có nhóm máu Rh+ thì không cần thực hiện điều trị. Tuy nhiên, nếu sản phụ nhóm máu Rh- mà thai nhi Rh+ thì có khả năng cơ thể sản phụ sẽ tạo ra kháng gây hại cho lần mang thai tiếp theo. Nếu sản phụ có bị chảy máu âm đạo bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, hãy đi khám chuyên khoa sản ngay lập tức. Các bác sĩ sẽ tư vấn về việc lên lịch tiêm Globulin miễn dịch Rh trong khi mang thai và sản phụ sẽ được chăm sóc về tình trạng Rh của bản thân trong quá trình chuyển dạ.

                                                                                 Minh Anh – TT KSBT