Lợi ích của việc tiêm chủng chủng mở rộng
Vắc xin là phát minh vĩ đại của nhân loại, thực hành tiêm chủng vắc xin là phương pháp phòng bệnh an toàn, hiệu quả và tiết kiệm nhất, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của cộng đồng với chi phí thấp.
Tiêm chủng cho trẻ em tại Trạm Y tế phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn
Tại Việt Nam, các loại vắc xin đầu tiên được đưa vào sử dụng từ năm 1985 thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Mục tiêu của chương trình là tăng cường sức đề kháng xã hội, hình thành miễn dịch cộng đồng cho các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ngăn chặn sự lây lan, bùng phát của các bệnh dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng toàn diện. Trẻ em trong độ tuổi quy định sẽ được tiêm phòng các loại vắc xin quan trọng, phòng các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến ở trẻ em. Vắc xin dùng trong chương trình TCMR không phải trả tiền, an toàn và hiệu quả để phòng bệnh cho trẻ em.
Chương trình TCMR đã đưa 10 loại vắc xin phòng ngừa các truyền nhiễm gồm lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do HIB, viêm não Nhật Bản B, rubella, rota... Hơn 30 năm triển khai, chương trình TCMR đã mang lại những thành tựu to lớn, góp phần làm thay đổi cơ cấu bệnh tật tại Việt Nam. Bệnh bại liệt đã được thanh toán vào năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh được loại trừ năm 2005, số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến khác như sởi, bạch hầu, ho gà giảm từ vài chục đến vài trăm lần. Ngoài 10 loại vắc xin có trong chương trình TCMR, vẫn còn hơn 40 loại vắc xin phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiện có tại các trung tâm tiêm chủng dịch vụ cho trẻ em và người lớn để bảo vệ sức khỏe, đảm bảo nền tảng phát triển cả thể chất lẫn tinh thần trí tuệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác TCMR còn một số khó khăn thách thức như: Đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêm chủng trên toàn quốc; Cơ chế, chính sách đãi ngộ còn hạn hẹp. Nhân viên Y tế thôn bản, cộng tác viên y tế dân số tại nhiều địa phương bị cắt giảm, mức hỗ trợ thấp; do biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt…; Việc cung ứng vắc xin trong TCMR đôi khi không kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và tỷ lệ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng, đây là nguy cơ tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện trở lại, lây lan và bùng phát.
Tại Lạng Sơn, trong năm 2024, công tác tiêm chủng mở rộng được ngành Y tế quan tâm và đẩy mạnh triển khai một cách đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Mặc dù cũng có thời điểm việc cung ứng vắc xin gặp nhiều khó khăn, nhưng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh đã khắc phục những khó khăn, tích cực phối hợp với các trung tâm y tế các huyện, thành phố chỉ đạo trạm y tế các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, lập danh sách đối tượng trẻ đến lịch tiêm mà chưa được tiêm để khi được phân bổ vắc xin thì có thể tiêm bù, tiêm vét sớm nhất có thể. Bên cạnh đó là khuyến khích, động viên các cơ sở y tế tư nhân duy trì điểm tiêm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân, đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ liều, đúng lịch, đảm bảo hiệu quả chất lượng phòng bệnh.
Theo báo cáo của Trung tâm KSBT tỉnh, tính ngày 01/01/2024 đến 30/9/ 2024, toàn tỉnh Lạng Sơn có tổng số 211 điểm tiêm chủng trong đó có 200 điểm tiêm chủng tại cơ sở y tế và 11 cơ sở tiêm dịch vụ đã triển khai với kết quả đạt được đáng ghi nhận nằm trong tốp các tỉnh đạt tỷ lệ TCMR cao trong toàn quốc, cụ thể: Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 08 loại vắc xin là: 7069/7343 trẻ đạt 96,3 % (cùng kỳ năm 2023 là 88,7%); Số trẻ em được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B < 24 giờ là 6358/6362 trẻ đạt 86,6% (cùng kỳ năm 2023 là 85,9%); Số phụ nữ có thai tiêm đủ AT2+ là5764/7343 người đạt 78,5% (cùng kỳ năm 2023 là 79,6%). Duy trì kết quả loại trừ uốn ván sơ sinh theo qui mô huyện ≤ 1 trường hợp/trẻ đẻ sống (đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch giao).
Để tiếp tục duy trì thành quả của công tác tiêm chủng, với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, các bậc cha mẹ, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong các chiến dịch tiêm chủng. Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn trách nhiệm đối với cộng đồng.
Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch không chỉ có tác dụng phòng bệnh đối với trẻ mà còn mang lại những lợi ích to lớn đối với xã hội và là một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc.
Phạm Tiến Dũng – TT KSBT