Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Y tế

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hỗ trợ cai nghiện thuốc lá để thành công hơn trong phòng chống tác hại của thuốc lá

Ngày 17/12/2018, Bộ Y tế đã có Quyết định số 7441/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu Hướng dẫn tổ chức tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam. Trong đó, có những khuyến cáo chính trong tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá, cụ thể là:

Một số tài liệu truyền thông về công tác cai nghiện thuốc lá của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế

 Nghiện thuốc lá là bệnh mạn tính đòi hỏi can thiệp và nỗ lực cai thuốc lá lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên đã có các can thiệp hiệu quả giúp tăng đáng kể tỷ lệ bỏ thuốc lá lâu dài. 

Điều cốt yếu là nhân viên y tế và hệ thống y tế phải không ngừng nhận diện, ghi nhận tình trạng hút thuốc lá và điều trị cho người hút thuốc lá đến cơ sở y tế. 

Tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá có hiệu quả trên nhiều nhóm dân số khác nhau. Nhân viên y tế nên khuyến khích mọi người hút thuốc lá muốn cai 2 thuốc lá sử dụng các biện pháp tư vấn điều trị trong hướng dẫn để cai nghiện thuốc lá. 

Tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá dù là ngắn (nhanh) vẫn hiệu quả. Nhân viên y tế nên đảm bảo cho mọi người hút thuốc lá được tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá ít nhất là tư vấn ngắn. 

Tư vấn từng cá nhân, tư vấn theo nhóm hay tư vấn qua điện thoại đều có hiệu quả, và tỷ lệ thành công tỷ lệ thuận với cường độ tư vấn. Hai thành phần tư vấn đặc biệt có hiệu quả trong cai nghiện thuốc lá là: tư vấn kỹ năng nhận diện và giải quyết tình huống; tư vấn các nguồn trợ giúp trong xã hội cho quá trình cai nghiện thuốc lá. 

Một số thuốc thực sự có hiệu quả trong cai nghiện thuốc lá và người cai thuốc lá nên được khuyên dùng khi cai thuốc lá: Nicotine thay thế (nhai/băng dán), Bupropion SR, Varenicilline. Các thuốc này có thể dùng điều trị đơn thuần hoặc phối hợp. 

Tư vấn kết hợp dùng thuốc hỗ trợ cai thuốc lá hiệu quả hơn tư vấn hoặc dùng thuốc hỗ trợ đơn thuần. Vì thế nhân viên y tế nên kết hợp tư vấn và thuốc hỗ trợ để cai nghiện thuốc lá. 

Tư vấn cai nghiện thuốc lá qua điện thoại có hiệu quả với phạm vi tiếp cận rộng vì thế nên dùng và khuyến khích bệnh nhân dùng hình thức tư vấn cai nghiện thuốc lá qua điện thoại. 

Đối với người hút thuốc lá chưa muốn cai thuốc lá, tư vấn hỗ trợ tăng cường quyết tâm cai thuốc lá là có hiệu quả trong tăng quyết tâm cai thuốc lá trong tương lai. 

Tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá có hiệu quả trên lâm sàng, đồng thời là đầu tư tốt về mặt chi phí - lợi ích hơn hẳn các can thiệp sức khỏe khác. Bảo hiểm y tế chi trả dịch vụ tư vấn và thuốc hỗ trợ sẽ làm tăng hiệu quả cai thuốc lá thành công. Vì thế các biện pháp tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá hiệu quả đề cập trong hướng dẫn cần được bảo hiểm y tế đồng ý chi trả. 

Hiện nay, Việt Nam đã có Quỹ hỗ trợ Tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai (1800-6606), Bệnh viện Nhân dân Gia Định ( 1800-1224) và Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại 09 bệnh viện trên cả nước. Bộ Y tế đã nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá thông qua đào tạo giảng viên nguồn về tư vấn cai nghiện thuốc lá; Đến tháng 12/2024, đã tập huấn kỹ năng cai nghiện thuốc lá cho cán bộ y tế, hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức 158 lớp tập huấn về tư vấn ngắn cai nghiện thuốc lá cho 7.127 cán bộ y tế thôn bản/ cộng tác viên y tế 63 tỉnh, thành phố; sản xuất và cấp phát 88.250 tài liệu truyền thông gồm các tờ rơi, hướng dẫn… về cai nghiện thuốc lá để phát cho người dân.

Tuy nhiên, công tác hỗ trợ cai nghiện thuốc lá còn nhiều khó khăn như: Hiện nay các loại thuốc hỗ trợ điều trị nghiện thuốc lá chưa có trên thị trường Việt Nam, người dân khó tiếp cận các sản phẩm thuốc hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá. Hiện cũng chưa có cơ chế tài chính bền vững đối với hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá và chưa có chính sách khuyến khích các cơ sở y tế triển khai tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá. Chính vì vậy, trong Chiến lược Quốc gia về Phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030, Bộ Y tế có định hướng xây dựng, ban hành các quy định, quy chế lồng ghép hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia về các bệnh không lây nhiễm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các chương trình y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng và hoạt động chuyên môn của các cơ sở y tế trong toàn quốc, phát triển dịch vụ tư vấn cai nghiện thuốc lá. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất , ban hành các quy định về sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm hỗ trợ cai nghiện; nghiên cứu đề xuất việc chi trả cho các hoạt động điều trị, tư vấn cai nghiện thuốc lá từ Quỹ bảo hiểm y tế.

Minh Anh – TT KSBT