Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Y tế

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa Xuân - Hè

Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa Xuân – Hè 2024, nền nhiệt độ trong ngày thay đổi liên tục có chiều hướng nắng nóng gia tăng, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển, trong đó có các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và lây truyền qua côn trùng đốt như: Cúm các chủng, Sởi, Rrubella, Ho gà, Tiêu chảy, Tay chân miệng, Sốt xuất huyết, … có chiều hướng gia tăng.

Cán bộ Trạm Y tế phường Đông Kinh tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ

 

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch là yếu tố nguy cơ bùng phát dịch bệnh bao gồm Sởi. 

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 02 trường hợp mắc Rubella; 01 trường hợp mắc tay, chân, miệng; 626 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy (giảm 184 ca cùng kỳ);  01 trường hợp mắc Sốt xuất huyết... Tất cả các trường hợp nhiễm bệnh đều được phát hiện, tư vấn và điều trị kịp thời, do đó không có bệnh nhân nặng, tử vong do bệnh dịch. Những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm dễ lây lan đều được điều tra, giám sát, xử lý, cách ly nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây truyền dịch bệnh ra cộng đồng. Do đó, so với các địa phương trong nước, tình hình dịch bệnh tại Lạng Sơn đến thời điểm hiện tại được đánh giá tương đối ổn định, được kiểm soát và dự báo kịp thời.

Để hạn chế nguy cơ dịch bệnh trong thời điểm giao mùa Xuân - Hè, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ yếu như sau:

* Phòng các bệnh lây qua đường hô hấp:

- Cần tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch phòng các bệnh đã có vắc xin như: Cúm, Sởi, Rubella, Thủy đậu, …

- Thường xuyên sử dụng khẩu trang khi ho hắt hơi, đến các cơ sở y tế; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Súc miệng, họng bằng nước muối loãng hoặc các dung dịch sát khuẩn. 

- Vệ sinh nhà ở, nơi làm việc, giữ cho thông thoáng. Thường xuyên lau bằng nước sát khuẩn, vệ sinh các đồ dùng, dụng cụ, bề mặt sàn nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang… 

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang và sử dụng các phương tiện phòng hộ. Vệ sinh cá nhân sau khi tiếp xúc.

- Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.

* Phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa:

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: “ăn chín, uống sôi”, không ăn các thức ăn sống, tái như tiết canh, nem chua, chạo chua, các món gỏi…

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi của trẻ em, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không vứt rác bừa bãi ra môi trường; thu gom, xử lý, đổ rác đúng nơi quy định, xa nguồn nước. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân của trẻ phải được đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

* Phòng các bệnh do côn trùng truyền:

- Tiêu diệt, ngăn chặn, loại bỏ các điều kiện để côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột, gián sinh sôi, nảy nở.

- Bảo vệ không để côn trùng đốt: ngủ màn, lưới chắn muỗi, bôi thuốc xua đuổi côn trùng, lưới che chắn cửa …

Lưu ý phòng bệnh đối với người già, người có bệnh nền và trẻ em:

Đối với trẻ em, người cao tuổi, người có các bệnh nền như bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi … là những người có sức đề kháng yếu dễ mắc bệnh hoặc khi mắc bệnh thường bị nặng hơn thì cần được đặc biệt chú ý bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng thông qua dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý; điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý nền theo hướng dẫn của bác sỹ. 

Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để lây lan thành dịch trong cộng đồng.

Việc chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm lúc giao mùa là rất cần thiết, đặc việc phòng bệnh của mỗi cá nhân không chỉ đem lại những lợi ích về sức khoẻ cho bản thân mà nó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cộng đồng, ngành y tế và đất nước.

                                                                  Phạm Tiến Dũng – TTKSBT