Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Y tế

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần có sự phối hợp liên ngành trong phòng, chống bệnh Dại

Chúng ta đều biết bệnh Dại là một bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người. Nguồn lây chủ yếu dẫn đến tử2345ong là do bị các động vật cắn: Chó (80%), Mèo (18%) và các động vật hoang dã khác như Dơi (1%); Chuột, Khỉ (1%). Người bị bệnh Dại mà đã lên cơn thì vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, may mắn thay bệnh Dại đã có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu cho cả chó và người nên khi ai bị chó cắn, đi tiêm vắc xin hoặc huyết thanh kịp thời thì hầu như không ai bị mắc bệnh Dại. Có thể khẳng định vắc xin Dại là thứ vũ khí hữu hiệu nhất, quan trọng nhất để phòng bệnh Dại.

Hội nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh Dại khu vực miền Bắc 

Tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: bệnh Dại vẫn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng mang tính toàn cầu và phải đưa vào mục tiêu loại trừ bệnh Dại trên toàn thế giới. Hàng năm có hơn 15 triệu người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng, hàng chục nghìn người chết mắc bệnh Dại do bị chó cắn (59.000).

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến hết ngày 21/7/2024: Cả nước ghi nhận 57 trường hợp tử do bệnh Dại tại 29/63 tỉnh, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2023 (42 ca). Các tỉnh/thành phố có số ca mắc và tử vong nhiều là: Bình Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Tây Ninh,  Bến Tre, Nghệ An, Hòa Bình…Diễn biến của dịch bệnh vẫn chưa dừng lại, đang tiếp tục tăng và lan rộng ở những tỉnh, thành phố vốn trước đây không có ca bệnh hoặc đã lâu không ghi nhận ca bệnh. 

 Hiện nay, Bộ Y tế thông cáo bệnh Dại đã và đang là vấn đề y tế công cộng rất lớn, hàng ngày, hàng giờ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân của chúng ta. Hàng năm có khoảng hơn một nửa triệu người bị chó nghi dại cắn phải đi tiêm phòng, hàng trăm trường hợp chết, gây ra những tổn thất về sinh mạng cũng như kinh tế to lớn cho cộng đồng và toàn xã hội. Tử vong do bệnh Dại luôn đứng số 1 trong các bệnh truyền nhiễm gây tử vong tại nước ta (tính theo tỷ lệ mắc và tử vong). Không có bệnh truyền nhiễm nào lại gây tử vong cao, liên tục trong thời gian dài đến như vậy. Và điều buồn nhất và trăn trở nhất của tất cả chúng ta là hầu hết các ca tử vong do bệnh Dại đều không được tiêm vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ. 

Trong năm 2024 lại ghi nhận số ca mắc tăng trở lại và một số lượng lớn người bị chó mèo cắn phải đi tiêm phòng. Chúng ta đều biết không có bệnh Dại ở chó thì sẽ không có bệnh Dại ở người. Chính vì vậy cái gốc của vấn đề cần phải giải quyết đó chính là phải quản lý được và phải tiêm được vắc xin phòng dại cho đàn chó. Việc này nói thì dễ nhưng thực hiện được thì vô cùng khó khăn, nó đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực từ các cấp chính quyền và sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban ngành, đoàn thể của địa phương và sự tham gia của toàn thể người dân trong cộng đồng.

Chính vì vậy, hơn lúc nào hết công cuộc phòng, chống bệnh Dại đòi hỏi trách nhiệm, sự chung tay, chung sức của các ban, ngành, đoàn thể các cấp và của toàn xã hội. Vì vậy, trong các chiến lược hiện nay của Tổ chức Y tế Thế giới và Việt Nam đều khẳng định điểm mấu chốt để loại trừ bệnh Dại là việc phối hợp liên ngành với sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền các cấp cũng như sự tham gia của toàn thể cộng đồng trong đó nòng cốt là ngành y tế và ngành thú y.

                                               Phạm Tiến Dũng – TTKSBT