Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Y tế

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh Dại tăng cao gấp đôi cùng kỳ năm 2023

Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh Dại tăng đột biến. Từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 22 ca tử vong do bệnh Dại trên người, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp). Diễn biến của dịch bệnh vẫn chưa dừng lại, đang tiếp tục tăng và lan rộng ở những tỉnh, thành phố vốn trước đây không có ca bệnh hoặc đã lâu không ghi nhận ca bệnh. Năm 2023, theo thống kê mới nhất từ Cục Y tế dự phòng có 82 người chết do bệnh Dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022 (khoảng 17%). Nguồn lây chủ yếu dẫn đến tử vong là do bị các động vật: Chó (80%), Mèo (18%), Dơi (01%) và các động vật khác như chuột, khỉ (1%).

Tiêm vắc xin phòng bệnh Dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn

 

Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do Dại trên người chủ yếu là do động vật nghi Dại cắn không được tiêm vắc xin phòng hoặc tiêm không đúng quy định. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Dại trên đàn chó, mèo còn thấp; quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; có nơi chỉ đạt 10%. 

Lạng Sơn cũng như các tỉnh thành trên toàn quốc, bệnh Dại đang lưu hành và phát triển. Nguồn truyền bệnh Dại là động vật sống gần người, nhiều nhất là chó, sau đó là mèo và một số động vật có vú hoang dã khác. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh,  từ 01/01 đến 29/2/2024, có 949 lượt người tiêm vắc xin phòng bệnh dại và ghi nhận 01 ca phát bệnh tử vong do bị chó cắn không đi tiêm phòng.

Sự nguy hiểm của bệnh Dại? Bệnh Dại là bệnh nhiễm vi rút Rhabdovirus cấp tính ở hệ thống thần kinh trung ương, lây từ động vật nhiễm vi rút Dại sang người qua vết cắn, liếm trên vết thương hở, hoặc qua niêm mạc. Vi rút Dại lây nhiễm qua vết cắn, sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi rút nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương. Vi rút di chuyển dọc theo các dây thần kinh tiến tới tủy sống và não bộ phá hủy mô thần kinh, gây nên những cơn kích động ở người bệnh. Người bị bệnh Dại có những biểu hiện kích động như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng…bị liệt dẫn tới suy hô hấp, suy tim và hôn mê dấn đến tử vong. Khi đã phát cơn Dại thì không thể điều trị khỏi, nguy cơ tử vong lên tới 100% sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng Dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.

Thông thường, bệnh Dại không có triệu chứng ngay lập tức. Bệnh Dại có thể nằm im trong cơ thể người bệnh từ 1 đến 3 tháng gọi là thời kỳ ủ bệnh (gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương). 

Khi bị chó, mèo cắn, chúng ta cần thực hiện những biện pháp sau đây để phòng ngừa lây nhiễm vi rút bệnh Dại:

Vệ sinh vết thương: Điều quan trọng trước tiên xem xét vị trí vết thương, cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, rồi tiến hành rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch ít nhất là 5 phút để loại bỏ tất mầm bệnh, kể cả vết thương chỉ trầy xước da, rửa nhẹ nhàng không chà xát mạnh. Theo đó, có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn 70 độ hoặc dung dịch khử khuẩn sát trùng vết thương. 

Băng vết thương: Dùng gạc y tế hoặc vải sạch băng vết thương và băng hờ lại, tránh băng kín vết thương (vừa phải, không quá chặt).

Đến cơ sở y tế tiêm phòng Dại ngay:  Đến ngay cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng Dại kịp thời. Hiện nay vắc xin phòng Dại đều là vắc xin thế hệ mới, không còn tác dụng phụ gây biến chứng, rất an toàn. Nếu tiêm phòng sớm, đúng lịch và đủ mũi, hiệu quả bảo vệ gần như tuyệt đối.

Tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh Dại là mũi tiêm bắt buộc sau khi bị bất cứ loài động vật nào cắn, được gọi là phơi nhiễm (PEP) trong các trường hợp sau: Nếu vết cắn gây xước da và vết thương chảy máu; Nếu màng nhầy ở vùng da tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi dại; Nếu bị cắn bởi loài vật có hành vi không bình thường, bị chết hoặc kết quả xét nghiệm chất liệu não của động vật nghi Dại cho kết quả dương tính.

Ngoài ra, người bị chó cắn có thể được tiêm huyết thanh kháng dại nếu vết cắn nằm ở đầu, mặt, cổ, vết thương ở các vị trí có nhiều dây thần kinh như đầu ngón tay, đầu ngón chân, bộ phận sinh dục, vết thương sâu và nhiều.

Lưu ý: Không cố gắng nặn máu; không chà xát vết thương, tránh làm vết thương bầm dập tổn thương lây lan vi rút nhanh hơn; không đắp bất cứ loại lá nào lên vết thương; không chữa bệnh Dại bằng thuốc Đông y, thuốc Nam hoặc thuốc không rõ nguồn gốc; không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày. 

Khuyến cáo phòng, chống bệnh Dại:

Người dân hạn chế nuôi chó, mèo, nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh Dại định kỳ theo hướng dẫn của cơ quan Thú y, phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn.

Khi tiêm vắc xin phòng bệnh Dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.

Theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần (ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp theo.

Không tiếp xúc với con vật bị Dại, nghi Dại; không mua bán, vận chuyển chó, mèo ra, vào vùng dịch.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự nguy hiểm và cách phòng ngừa bệnh Dại;

Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó, mèo bị Dại; cách ly theo dõi động vật nghi Dại; tiêm phòng Dại cho động vật khỏe mạnh sống trong vùng dịch. 

                                                                           Phạm Tiến Dũng – TTKSBT