Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Y tế

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần cảnh giác với nguy cơ sốt xuất huyết có thể gia tăng trong thời gian tới

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh, xẩy ra theo mùa và có thể lây lan thành dịch lớn. Khi nhiễm bệnh, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể trở nặng thậm chí tử vong.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phun hóa chất diệt muỗi, côn trùng

tại Công ty Điện lực tỉnh Lạng Sơn

 

Theo thông báo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong những tuần gần đây (tháng 8/2023) số mắc sốt xuất huyết thành phố Hà Nội và các tỉnh phía nam. đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh có những diễn biến phức tạp, số ca mắc đang có chiều hướng gia tăng. 

Về vấn đề này, theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế, trước đây, dịch sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm. Tuy nhiên, hiện nay quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ. Đặc biệt, năm 2023, hiện tượng EL Nino khiến thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Thêm vào đó, nhiều nơi còn xả rác thải chưa đúng nơi quy định, phế liệu đọng nước chưa được thu gom… Người dân có thói quen tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ… đã vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và bọ gậy phát triển. Nếu không có những giải pháp quyết liệt, sẽ gia tăng hơn nữa các ca bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới (Từ tháng 9-11 hàng năm là thời điểm “đỉnh dịch” của bệnh sốt xuất huyết).

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lạng Sơn, trong tháng 8/2023: Phát hiện 03 ca sốt xuất huyết Dengue; Luỹ kế: 09 ca (TP Lạng Sơn: 03; Hữu Lũng: 05; Bình Gia: 01), các ca đều ngoại lai. Tăng 03 ca so với cùng kỳ năm 2022. 

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả dịch sốt xuất huyết, ngay từ bây giờ, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế cần sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và người dân, với các nhóm biện pháp cơ bản:

Mọi người không được chủ quan với dịch; cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. 

Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng, thau rửa bên trong các dụng cụ chứa nước ít nhất 1 lần/ tuần. Khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để tránh cho muỗi trú ngụ.

Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Ngủ màn phòng muỗi đốt (cả ban ngày và ban đêm), mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. 

Nếu chúng ta làm tốt công tác phòng bệnh, tuyên truyền tốt, thì sẽ giảm thiểu được số ca bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

                                                                       Phạm Tiến Dũng - TTKSBT

 


Nguồn:soyt.langson.gov.vn Sao chép liên kết