Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Y tế

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh lao phổi

Lao phổi thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (vi khuẩn lao) tấn công và gây bệnh. Trong số các dạng bệnh lao thì lao phổi chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 85%. Bệnh có thể lây lan qua không khí. Khi người hoặc động vật mang mầm bệnh hắt hơi, khạc nhổ, ho,… vi khuẩn sẽ bám vào những hạt nước nhỏ li ti hay hạt bụi trong không khí và xâm nhập vào cơ thể nếu có sự tiếp xúc với người khỏe mạnh. Khi đã vào cơ thể, vi khuẩn sẽ bắt đầu sinh sôi, phát triển và gây bệnh nếu gặp điều kiện thuận lợi. 

Bác sỹ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khám sức khỏe cho người lao động

 

Thời gian ủ bệnh của từng cơ thể sẽ có sự khác nhau tùy vào sức đề kháng mỗi người. Nhiều trường hợp trong thời gian đầu, bệnh không gây triệu chứng hay có biểu hiện mơ hồ nên người bệnh khó nhận biết và đôi khi nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Ngoài ra, trong thời gian ủ bệnh, vi khuẩn cũng không được bài xuất ra ngoài môi trường.

Ở giai đoạn tiến triển, người bệnh thường có các triệu chứng sau: Ho khan hoặc có đờm đôi khi ho ra máu, kéo dài dai dẳng từ 3 tuần đến vài tháng; Thường xuyên bị đau tức ngực đi kèm là tình trạng khó thở; Đổ nhiều mồ hôi về đêm; Sốt, ớn lạnh, nhất là khi chiều tối; Ăn uống kém, sụt cân, suy nhược, người mệt mỏi, không có sức… 

Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng người bị lao phổi khoa học, phù hợp nhu cầu không chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng mà còn tăng sức đề kháng, giúp người bệnh nhanh chóng đẩy lùi bệnh tật. Trong chế độ dinh dưỡng, người bị lao phổi cần chú ý bổ sung thực phẩm giàu protein, sắt, kẽm, vitamin, chất khoáng…

Người bị lao phổi có hệ miễn dịch suy yếu, sụt cân nhanh và suy nhược dẫn đến mệt mỏi, mất sức. Việc tăng cường bổ sung protein có tác dụng giúp các mô bị tổn thương do sự tấn công của mầm bệnh nhanh chóng phục hồi, tăng cường hệ miễn dịch. Vì vậy, hãy thêm các loại thực phẩm như thịt gà, cá, thịt bò, thịt heo nạc, trứng, đậu nành, sữa và các sản phẩm từ sữa.

Bệnh nhân lao phổi thường bị thiếu máu do thiếu sắt. Vì vậy, để bệnh nhân lao phổi hạn chế tối đa nguy cơ đối mặt với tình trạng này thì cách tốt nhất là bổ sung chế độ ăn giàu sắt trong thực đơn hàng ngày. Các loại thực phẩm giàu sắt mà bạn không nên bỏ qua là rau bina, rau bó xôi, rau muống, các loại đậu, thịt đỏ, hạt bí ngô… 

Tình trạng bệnh nhân lao phổi ăn uống không ngon, chán ăn là biểu hiện khi cơ thể thiếu kẽm. Đây cũng là một trong những lý do khiến người bị lao phổi đối mặt với nguy cơ sụt cân không kiểm soát. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này đồng thời tăng sức đề kháng cho cơ thể thì đừng quên bổ sung các thực phẩm có hàm lượng kẽm cao trong chế độ ăn mỗi ngày. Các loại thực phẩm giàu kẽm có thể kể đến là: Hải sản, thịt heo nạc, lòng đỏ trứng… 

 Vitamin K, B6: Do người bệnh hấp thu kém, dễ gặp rối loạn tiêu hóa nên khả năng tổng hợp vitamin K giảm, gây trở ngại quá trình đông máu. Các vitamin này có nhiều trong thực phẩm như: gan, các loại rau màu xanh đậm. Dùng thuốc điều trị lao thường phải dùng kéo dài (vài tháng) theo phác đồ chống lao, các thuốc này lại làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B6 dễ gây viêm dây thần kinh ngoại biên, giảm miễn dịch do vậy ngoài uống vitamin B6 dạng dược phẩm bổ sung, người bệnh nên ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin này như: thịt lợn nạc, thịt gà, đậu, đỗ các loại, khoai tây, chuối, súp lơ, ngũ cốc nguyên hạt…

Ngoài những thực phẩm cần bổ sung trong chế độ dinh dưỡng người bị lao phổi thì bệnh nhân nên tránh những món ăn có vị cay nóng vì sẽ khiến tình trạng bệnh xấu đi, ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe. Không sử dụng các loại đồ uống có cồn hay sản phẩm có chất kích thích. Đặc biệt, không hút thuốc lá và hạn chế tối đa tiếp xúc với khói thuốc lá. 

Ngoài ra, cũng phải chú ý cân đối giữa 4 nhóm là tinh bột, protein, lipid, vitamin và chất khoáng bằng cách bổ sung đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Tuy nhiên, cách tốt nhất, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thực phẩm nên và không nên ăn trong quá trình điều trị nhằm chắc chắn rằng chế độ dinh dưỡng là an toàn và không làm ảnh hưởng đến các phương pháp chữa bệnh đang áp dụng.

Minh Anh – TT KSBT