Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Y tế

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề phòng tai nạn thương tích cho trẻ em

Theo thống kê của Bộ Lao động- TBXH, cứ mỗi ngày nước ta có 10 trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT). Còn ở tỉnh ta, riêng năm 2010 đã có 314 vụ TNTT là trẻ em. Qua tổng hợp và phân tích cho thấy, có 142 vụ bị TNTT tại gia đình, chiếm tỷ lệ 45,2%, 158 vụ tại cộng đồng, chiếm tỷ lệ 50,3% và chỉ có 14 vụ tại trường học, chiếm tỷ lệ 4,5%. Vì vậy các bậc làm cha mẹ cần lưu ý những điều sau để đề phòng được tai nạn thương tích cho con em mình:

1. Rất nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng chống được nếu cha mẹ và người chăm sóc trẻ trông trẻ cẩn thận và giữ cho môi trường an toàn.

-        

Trẻ dễ bị các vết cắt do mảnh kính vỡ, dao, kéo, trẻ dễ bị ngã từ cũi, cửa sổ, bàn và cầu thang

-        

Trẻ dễ bị ngạt do nuốt phải các đồ vật nhỏ như đồng xu, viên bi, cúc áo hoặc các hạt nhỏ

-        

Trẻ dễ bị ngộ độc do các chất độc từ Paraffin (dầu hoả), chất diệt côn trùng và các chất tẩy rửa

-        

Trẻ dễ bị điện giật do chạm vào các thiết bị điện, hoặc dây điện hở…

 

2. Không để trẻ em đến gần bếp nấu, lò sưởi, đèn, diêm, bật lửa và các thiết bị điện   Vì bỏng do lửa và do hơi nước là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thương tích nghiêm trọng ở trẻ em.

3. Trẻ em thích leo trèo, cầu thang, ban công, cửa sổ và nơi vui chơi của trẻ em cần đảm bảo an toàn để tránh cho trẻ khỏi bị ngã.

Không cho trẻ leo trèo ở những nơi không an toàn, sử dụng thanh nắm và bảo vệ cầu thang, cửa sổ ban công, giữ nhà sạch sẽ và đủ ánh sáng.

4. Dao, kéo và các vật dụng sắc nhọn và mảnh kính vỡ có thể gây cho trẻ những thương tích nghiêm trọng. Tránh không cho trẻ em tiếp xúc với các đồ vật như vậy.

5.Trẻ em thích đưa các thứ vào miệng, không cho trẻ tiếp xúc với các đồ vật nhỏ đề phòng trẻ bị ngạt thở.

Không để các thứ nhỏ như khuy áo, viên bi, đồng xu, hạt cây hạt lạc, hạt đậu…ở nơi trẻ ngủ và chơi.

6. Chất độc, chất tẩy rửa, axit và các nhiên liệu lỏng như Paraffin không bao giờ được cất giữ trong các chai đựng đồ uống. Tất cả các chất lỏng và chất độc như vậy cần được tích trữ trong các bình đựng có nhãn đề rõ ràng không cho trẻ sờ hoặc nhìn thấy.

Tránh không cho trẻ hít phải chúng, giây ra tay hoặc mắt của trẻ, giây ra quần áo trẻ.

Bị ngộ độc là rất nguy hiểm với trẻ, chất tẩy rửa, thuốc diệt côn trùng, dầu hoả, bột giặt có thể gây ra tử vong hoặc tổn thương suốt đời cho trẻ.

7. Trẻ em có thể chết đuối trong vòng 2 phút ở những nơi có rất ít nước. Không bao giờ để trẻ em một mình khi trẻ ở dưới nước hoặc ở gần nơi có nước có thể làm mất an toàn cho trẻ.

Cần phải che giếng, bồn tắm và các thùng nước, chậu nước, nên dạy cho trẻ biết bơi từ khi còn bé, dạy cho trẻ không được chơi ở những noi có dòng chảy mạnh, và không bao giờ được đi bơi một mình.

8. Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ bị tai nạn rất cao khi đi ra đường. Trẻ cần có người thường xuyên ở bên cạnh và cần được dạy đi đường an toàn ngay khi trẻ bắt đầu biết đi.

Trẻ em thường không suy nghĩ khi chạy xuống đường, gia đình cần trông nom trẻ mọt cách cẩn thận. Đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi đang cho trẻ tham gia giao thông.

          Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, vì vậy gia đình, cộng đồng và xã hội hãy bảo vệ trẻ em bằng cách xây dựng cho trẻ một môi trường sinh hoạt an toàn ngay trong chính gia đình của trẻ.

                                                                                                       Nguyễn Hoài

 

 


Nguồn:soyt.langson.gov.vn Sao chép liên kết