Đề phòng ngộ độc thực phẩm
Năm 2023 theo dự báo thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất thường. Thực tế cho thấy, thời tiết càng nắng nóng thì càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm, do thức ăn dễ bị biến chất, ôi thiu, mốc hỏng. Chính vì vậy mọi người cần chủ động đề phòng ngộ độc thực phẩm cho gia đình của mình, góp phần hưởng ứng tháng hành động quốc gia về an toàn thực phẩm từ 15/4 đến 15/5/2023 với chủ để “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”
Theo dõi truyền dịch cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đình Lập
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý xảy ra sau khi sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn, khiến cho người sử dụng xuất hiện các biểu hiện ngộ độc thông thường như: đau bụng, nôn, tiêu chảy kèm theo các triệu chứng sốt, vã mồ hôi, khát nước.
Đối với ngộ độc do hóa chất hoặc do độc tố có trong thực phẩm còn có thể xuất hiện các biểu hiện về thần kinh như đau đầu chóng mặt, nhịp tim nhanh, trụy mạch. Dù là ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị biến chất hay hóa chất, độc tố có trong thực phẩm, nếu không được sơ cứu đúng cách và kịp thời đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người mắc ngộ độc thực phẩm.
Bác sỹ Phạm Thanh Hồng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lạng Sơn cho biết: Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, việc sơ cứu ban đầu là hết sức cần thiết và quan trọng, góp phần hạn chế mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Khi sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm, trước hết cần gây nôn cho bệnh nhân. Bệnh nhân nôn càng nhiều thức ăn trong dạ dày càng tốt. Trong lúc tiến hành gây nôn cần đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê hơi cao để chất thải khi nôn ra không bị trào ngược vào phổi. Sau khi gây nôn cần bổ sung chất điện giải cho người bệnh, tốt nhất là oresol và cho người bệnh uống than hoạt tính để giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi triệu chứng khó chịu của ngộ độc. Lưu ý là không nên gây nôn khi bệnh nhân đã bất tỉnh và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất khi có những biểu hiện ngộ độc nặng, hoặc đã thực hiện sơ cứu mà tình trạng bệnh không thuyên giảm.
Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn phát triển, do đó thực phẩm dễ bị ôi thiu, mốc hỏng hơn so với bình thường nếu không được bảo quản thực phẩm đúng cách. Điều đó càng làm tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ở những nơi vệ sinh ngoại cảnh không đảm bảo và không đủ nước sạch để chế biến thực phẩm.
Chính vì vậy, từ 15/4 đến 15/5 hàng năm, trên địa bàn cả nước đều triển khai thực hiện tháng hành động Quốc gia về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm từ các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, cho đến mỗi cá nhân trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, trước hết cần đảm bảo nguồn nước và thực phẩm sử dụng là sạch và an toàn. Rửa sạch tay, nồi niêu, bát đĩa và các dụng cụ khác trước khi chế biến thực phẩm. Không để côn trùng vào nơi chế biến.
Trong quá trình bảo quản và sử dụng thực phẩm cần nấu kỹ thức ăn, không ăn các loại rau sống và quả mà không gọt vỏ. Tốt nhất là ăn ngay sau khi nấu, nếu thực phẩm đã để lâu cần hâm nóng ít nhất 60 độ trước khi ăn, Đặc biệt là trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm cần để riêng thực phẩm sống và thực phẩm đã nấu chín để tránh ô nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm được chia thành 5 nhóm nguyên nhân đó là: do vi sinh vật; do độc tố có trong thực phẩm; do quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm không đảm bảo; do các chất phụ gia và nguyên nhân do các chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Chính vì vậy để chủ động đề phòng ngộ độc thực phẩm, người nội trợ trong gia đình cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để thực hành an toàn từ khâu lựa chọn thực phẩm, chế biến thực phẩm cho đến sử dụng và bảo quản thực phẩm để xây dựng bữa ăn cho gia đình một cách khoa học. Đồng thời giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho các thành viên trong gia đình thông qua những bữa ăn hàng ngày.
Minh Mạnh – TT KSBT