Không chủ quan với Cúm gia cầm khi thời tiết chuyển mùa
Cúm là một trong những loại bệnh do vi rút gây ra, bao gồm 4 tuýp cơ bản là A, B, C và D. Trong khi Tuýp D chỉ ảnh hưởng đến gia xúc, không gây bệnh ở người, cúm C chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở người và lợn, thì cúm A và B lại xuất hiện theo mùa ở khắp mọi nơi. Mới đây tại Campuchia đã ghi nhận 02 trường hợp ở người mắc cúm gia cầm AH5N1, trong đó 01 trường hợp đã tử vong, đây là chủng loại vi rút có động lực cao, nguy hiểm đến tính mạng của người mắc, chính vì vậy mọi người không nên chủ quan với Cúm gia cầm, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa.
Chế biến thịt vịt quay ở đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn.
Triệu chứng nhiễm cúm gia cầm ở người có thể xuất hiện nặng nhẹ khác nhau, tùy chủng loại vi rút và cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên, đa số đều có các triệu chứng của cúm thông thường. Điều này có thể khiến cho tình trạng dễ trở nên tồi tệ hơn, tiến triển nhanh thành bệnh hô hấp nghiêm trọng có nguy cơ gây tử vong cao.
Các dấu hiệu và triệu chứng được báo cáo do nhiễm cúm gia cầm ở người đã dao động từ nhẹ đến nặng và bao gồm viêm kết mạc, bệnh giống cúm (ví dụ: sốt, ho, đau họng, đau cơ) đôi khi kèm theo buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy và nôn, bệnh hô hấp nặng (ví dụ, khó thở, viêm phổi, suy hô hấp cấp tính, viêm phổi do virus, suy hô hấp), thay đổi thần kinh (thay đổi trạng thái tâm thần, co giật) và sự tham gia của các hệ cơ quan khác. Các dòng virus H5N1, H7N9 đã gây ra hầu hết các bệnh ở người trên toàn thế giới cho đến nay, bao gồm các bệnh nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong cao nhất.
Trong điều kiện giao lưu thương mại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới ngày càng được mở rộng, đồng thời điều kiện thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, rất thuận lợi cho vi rút phát triển và xâm nhập vào nước ta lây nhiễm sang người là rất cao. Cách ngăn ngừa nhiễm virus cúm gia cầm tốt nhất là tránh các nguồn phơi nhiễm. Hầu hết các trường hợp nhiễm virus cúm A ở người đã xảy ra sau khi tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị nhiễm bệnh. Những người đã tiếp xúc với chim bị nhiễm bệnh có thể được tiêm thuốc chống vi-rút cúm. Mặc dù thuốc kháng virus thường được sử dụng để điều trị cúm, nhưng chúng cũng có thể được sử dụng để ngăn ngừa nhiễm trùng ở những người đã tiếp xúc với vi-rút cúm. Khi được sử dụng để phòng ngừa cúm theo mùa, thuốc kháng virus có hiệu quả từ 70% đến 90%. Tiêm phòng cúm theo mùa sẽ không ngăn ngừa nhiễm virus cúm A, nhưng có thể làm giảm nguy cơ đồng nhiễm với virus cúm A ở người và cúm gia cầm. Bệnh cúm A/H1N1 có thể tự khỏi nếu người bệnh có sức đề kháng tốt, đồng thời bệnh được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo như sau: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Đối với hộ nuôi gia cầm cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm.
Minh Anh - Trung tâm KSBT