Khuyến cáo tiêm Vắc xin phòng Covid-19
Hiện nay dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt là phát hiện nhiều chủng vi rút mới có độc lực cao và mức độ lây lanh nhanh trong cộng đồng. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, mọi người hãy tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 và thực hiện khuyến cáo 5 K của Bộ Y tế.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn
Tất cả các loại vắc xin phòng COVID-19 được Bộ y tế phê chuẩn lưu hành tại Việt Nam đều đã được Viện kiểm định Vắc xin và Sinh phẩm Y tế quốc gia kiểm định an toàn cho người sử dụng và hiệu quả cao trong việc đề phòng lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cũng như giảm triệu chứng nặng của bệnh khi mắc COVID-19.
Thực hiện chiến dịch tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 cho trên 70 % người dân, tiến tới tạo miễn dịch tại cộng đồng theo chỉ đạo của Chính phủ, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức các đợt tiêm phù hợp với số lượng vắc xin được cấp từ Bộ y tế.
Để được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mọi người phải đăng ký tiêm với Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để được sắp xếp lịch tiêm, theo thứ tự ưu tiên, quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP, ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
Để đảm bảo an toàn và thuận tiện trong quá trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID 19, Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn, cho biết mọi người cần thực hiện những điểm sau:
1. Bạn hãy mang theo chứng minh thư nhân dân, hoặc thể căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh và giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm các vắc xin khác mà mình đã sử dụng trong thời gian gần đây nếu có.
2. Tải ứng dụng số sức khỏe điện tử bằng phần mềm ứng dụng Androi hoặc IOS, thực hiện cài đặt và khai báo những thông tin cần thiết.
3. Ăn uống đầy đủ trước khi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Trong quá trình tiêm chủng luôn đeo khẩu trang và thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế tại nơi tiêm chủng.
4. Chủ động thông báo cho cán bộ y tế các thông tin về sức khỏe cá nhân của mình, đặc biệt là các bệnh cấp tính, mãn tính, các loại thuốc sử dụng trong điều trị gần đây và tiền sử dị ứng, phản vệ với bất kỳ tác nhân nào gây ra.
Thông báo cho các bộ y tế biết tình trạng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 của mình nếu có. Thông báo tình trạng đang mang thai hoặc nuôi con bú nếu bạn đang trong độ tuổi sinh đẻ.
Nếu là lần tiêm thứ 2, phải thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng mà mình gặp phải sau khi tiêm mũi thứ nhất.
5. Chủ động tìm hiểu loại vắc xin phòng COVID-19 mà mình được tiêm. Hỏi cán bộ y tế về các dấu hiệu có thể xuất hiện và cách xử trí tại nhà sau khi tiêm. Số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.
Sau khi tiêm phải ở lại tối thiểu 30 phút để cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời các phản ứng sau khi tiêm. Khi về nhà tiếp tục phải tự theo dõi sức khỏe trong 4 tuần tiếp theo, đặc biệt là tuần đầu tiên sau khi tiêm vắc xin.
Trong quá trình theo dõi sức khỏe tại nhà, cần ăn uống đầy đủ chất, không sử dụng rượu bia và các chất kích thích. Thông báo kịp thời cho cán bộ y tế biết về các biểu hiện bất thường của mình sau khi tiêm vắc xin.
Một số biểu hiện thường gặp sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 là: sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, sưng đau tại chỗ tiêm… Những phản ứng này cho biết cơ thể đang tạo ra miễn dịch để chống lại vi rút SARS-Cov-2.
Các dấu hiệu có thể diễn biến nặng dần lên như sốt cao trên 39OC, sưng đỏ lan rộng chỗ tiêm, đau cơ đau cơ dữ dội, tăng huyết áp, tụt huyết áp hoặc kẹt huyết áp.
Ngoài ra sau khi tiêm cũng có thể gặp các phản ứng nghiêm trọng, hiếm gặp sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 như: Tê quanh môi hoặc lưỡi. Nổi ban, mẩn đỏ hoặc tím tái ở da. Ngứa hoặc căng cứng, tắc nghẽn ở họng. Và một số biểu hiện khác như: nôn, tiêu chảy đau quặn bụng. Cảm giác nghẹt thở, khó thở, thở dốc, thở khò khè hoặc thở rít.
Khi xuất hiện những dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường bạn hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất, hoặc gọi ngay cho đội cấp cứu lưu động của Bệnh viện đề được tư vấn, xử trí kịp thời.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với bản thân, là trách nhiệm đối với cộng đồng. Hãy tham gia tiêm phòng vắc xin để chung tay đẩy lùi COVID 19.
Khi bạn tiêm đủ 2 mũi vắc xin, không phải là bạn đã loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2, mà bạn vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 tuy nhiên các biểu hiện của bệnh sẽ nhẹ đi rất nhiều và giảm tỷ lệ tử vong khi mắc COVID-19. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả phòng bệnh, ngoài tiêm vắc xin, mọi người cần nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là trong quá trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Một là: Khẩu trang. Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang Y tế tại các cơ sở Y tế, khu cách ly.
Hai là: Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt, vật dụng thường xuyên tiếp xúc như: tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế.... Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
Ba là: Khoảng cách. Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
Bốn là: Không tập trung: Không tập trung đông người, đặc biệt là những nơi công cộng.
Năm Là: Khai báo Y tế. Thực hiện khai báo Y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng Bluezone tại địa chỉ Bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 1900 9095, đường dây nóng của Sở Y tế Lạng Sơn 0963 201 515, hoặc đường dây nóng của địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với bản thân, là trách nhiệm đối với cộng đồng, và là giải pháp duy nhất, cùng với thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, để ngăn chặn đại dịch COVID-19 trong tình hình phức tạp hiện nay.
Minh Mạnh- TT KSBT